Forex world

January 14, 2018

Mô Hình Vai Đầu Vai - Tín Hiệu Đảo Chiều Chuẩn Mực

Mô Hình Vai Đầu Vai Là Tín Hiệu Đảo Chiều Chuẩn Mực Nhất so với các mô hình giá đảo chiều khác trong phân tích kỹ thuật

Trước tiên cần phải khẳng định rằng dù bạn là người giao dịch thuận xu hướng hay nghịch xu hướng thì việc bạn vào lệnh nên là 1 điểm đảo chiều, và thường luôn là như vậy dù nó là điểm đảo chiều của khung thời gian lớn hay nhỏ.

Ví dụ bạn giao dịch forex tại khung thời gian chính là ở H1, và H1 đang là 1 xu hướng tăng giá. Vậy nếu bạn giao dịch ngược xu hướng thì rõ ràng bạn đang tìm 1 điểm đảo chiều trên chính H1 để vào lệnh SELL. Còn nếu bạn là người giao dịch thuận xu hướng thì bạn nên tìm 1 điểm thấp nhất của sóng hồi để vào lệnh BUY, khi đó bạn cần chiếu qua khung thời gian nhỏ hơn (ví dụ như M5) và tìm 1 điểm đảo chiều trên khung nhỏ hơn để vào lệnh BUY

Kể cả trường hợp còn lại là với những người giao dịch theo phong cách Break Out (đu theo sóng), tức là không quá tối ưu điểm vào trên khung thời gian nhỏ hơn, thì VÙNG GIÁ VÀO LỆNH của họ cũng không thể tách rời khỏi 1 mẫu hình đảo chiều đáng tin cậy.

Do vậy, hầu hết trong mọi trường hợp, điểm vào lệnh của bạn sẽ cần dựa vào 1 mẫu hình đảo chiều nào đó đáng tin cậy, và mô hình vai đầu vai chính là chuẩn mực đáng tin cậy nhất trong số các mô hình đảo chiều.

Chúng ta đều biết mô hình này gồm 1 dạng ở đỉnh là Vai - Đầu - Vai (Head and Shoulders) còn có các tên gọi khác là mô hình Đầu Và Vai, hay Đầu Và 2 Vai,  và 1 dạng ngược lại ở đáy là Vai - Đầu - Vai - Đảo Ngược (Inverse Head and Shoulders) còn có các tên gọi khác là mô hình Đầu Và Vai Ngược, hay Đầu Và 2 Vai Ngược... Vì mô hình ở đáy chỉ là thế ngược lại nên bài viết này chúng ta chỉ nói tới mô hình ở đỉnh là Vai - Đầu - Vai là đủ rồi bạn nhé.

Ngoài ra, mô hình này cũng có nhiều dạng biến thể, ví dụ như có lúc nó chỉ có đầu và 1 vai, có lúc nó hình thành 2 vai mà không có đầu (giống mô hình 2 đỉnh), có lúc thì 2 vai lại cao gần bằng đầu (giống mô hình 3 đỉnh),... tất cả đều sẽ vẫn thỏa mãn những yếu tố như 1 mô hình vai - đầu - vai cơ bản mà thôi.

Và đây là hình ảnh minh họa cho mô hình Vai - Đầu - Vai báo đảo chiều ở đỉnh:


Sở dĩ mình có kết luận này (mang tính cá nhân) vì mẫu hình Vai - Đầu - Vai nó đáp ứng được đầy đủ những yếu tố để xác lập 1 dấu hiệu đảo chiều, gồm:

- Bẻ gãy xu hướng: Mô hình vai - đầu - vai được hoàn tất sau khi giá phá vỡ "vùng cổ" (đường neck line màu đỏ như hình trên). Sau khi giá đi xuống và phá vỡ vùng này thì rõ ràng xu hướng đã đảo chiều từ tăng thành giảm. Tại đây dù bạn sử dụng bất kỳ chỉ báo kỹ thuật nào cũng sẽ hầu hết đều cho 1 dấu hiệu đảo chiều. Ví dụ bạn dùng đường trung bình Moving Average (MA) thì giá cũng đã giảm cắt xuống khỏi đường MA, hay bạn dùng ichimoku thì giá cũng đã chui xuống dưới mây kumo, dùng Bollinger Bands thì nó cũng đã mở rộng và hướng xuống,... hoặc đơn giản hơn là sử dụng cách xác định xu hướng theo đỉnh đáy (xem thêm ở đây: https://www.caphile.com/2017/09/cach-xac-dinh-chinh-xac-xu-huong.html) cũng sẽ xác nhận 1 xu hướng đi xuống là rõ ràng.

- Sự xác nhận của khối lượng: Với mô hình vai - đầu - vai, gần như khu vực xảy ra mẫu hình sẽ luôn có 1 dấu hiệu giằng co về khối lượng giao dịch, đó là biểu hiện áp lực của phe bán lên phe mua, và tại điểm phá vỡ (neck line) thì phe mua đã hoàn toàn thất thế trước phe bán, tại đây khối lượng giao dịch sẽ gia tăng mạnh mẽ đánh dấu 1 chu kỳ mới - 1 xu hướng mới (đi xuống) đã được xác lập. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các tín hiệu này trong nhiều mẫu hình về khối lượng được mô tả chi tiết trong bài viết này: https://www.caphile.com/2017/09/tinh-tuy-31-mau-hinh-khoi-luong.html

- Sự mất cân bằng tâm lý: Rõ ràng tại khu vực xảy ra mẫu hình này, giá đã có sự thay đổi liên tục. Trước đó là 1 đường giá tăng ổn định, nhưng bất ngờ giá giảm đáng kể (hình thành vai trái), rồi lại tiếp tục tăng lên vượt qua đỉnh cũ (hình thành đỉnh đầu), sau đó lại giảm mạnh xuống, và lại tiếp tục tăng lên nhưng lần này lại tăng yếu hơn (hình thành vai phải), với cả phe mua và phe bán thì khi giá biến động lên xuống "có vẻ thất thường" như vậy sẽ đều gây nên 1 sự nhiễu động về tâm lý, khi đó tâm lý giao dịch không còn ổn định, và việc mất cân bằng tâm lý luôn dẫn tới 1 sự thay đổi trong cách nhìn nhận thị trường (không còn giữ được kiên định), sau đó điểm kết thúc - cũng là chính thức phá vỡ tâm lý nó xảy ra khi giá giảm mạnh xuyên qua vùng cổ (neck line), kết cục là đám đông mua vào đang bình thản chờ lợi nhuận gia tăng sẽ dần thấy hốt hoảng khi tài khoản đang âm dần trở lại. BỞI VÌ XU HƯỚNG ĐÃ THAY ĐỔI - GIÁ ĐÃ ĐẢO CHIỀU !

Vậy, khi đã hiểu rõ về vai trò và độ tin cậy rất cao của mô hình vai - đầu - vai, thì chúng ta sẽ áp dụng (thực hành) nó thế nào để nâng cao hiệu quả giao dịch? Mình xin chia sẻ rằng mỗi trader là 1 cá nhân mang theo 1 cá tính riêng biệt và không ai giống bất kỳ ai, do vậy để sử dụng tối ưu nó thì chỉ có chính bản thân bạn mới là người trải nghiệm - thực hành - rèn luyện - và hoàn thiện nó, bởi vì mô hình này dù có độ chính xác cao nhất so với các mô hình đảo chiều khác, nhưng không phải là nó không có sai số, và nhiệm vụ của mỗi trader là phải tự tìm ra được những trường hợp nào thì nó chạy đúng để mà lặp lại, và lúc nào nó sẽ sai để mà tránh cho lần sau,... tuy nhiên cá nhân mình cũng chia sẻ 1 vài gợi ý khi bạn sử dụng mô hình này, ví dụ như:

- Kết hợp với các tín hiệu từ Price Action: Khi mô hình vai - đầu - vai (báo đỉnh) xuất hiện tại khung thời gian nhỏ (ví dụ M15) mà nó là 1 kết quả của tín hiệu nến Candlestick của khung lớn (ví dụ là 1 cây pinbar giảm tại D1), đồng thời khu vực xảy ra tín hiệu nến đó lại là 1 vùng cản có giá trị (ví dụ pinbar giảm tại D1 ở vùng kháng cự trên D1), thì độ tin cậy của mẫu hình chắc chắn là được nâng lên rất nhiều, khi đó xác suất để giành 1 lệnh thắng nếu vào SELL theo mô hình vai - đầu - vai là cực kỳ cao.

- Phối hợp cộng hưởng đa khung thời gian: Khi mô hình vai - đầu - vai cùng xuất hiện đồng thời tại 2 khung thời gian khác nhau (cách không quá xa nhau) thì mức độ chính xác cũng cao hơn rất nhiều.

- Xem xét vào sớm khi giá ở đỉnh của vai phải: Với 1 người giao dịch thuận xu hướng thì khi giá giảm từ đỉnh đầu xuống và bắt đầu tăng lên tạo vai phải thì tại đó họ vào 1 lệnh buy mới là hợp lý, còn người giao dịch ngược xu hướng thì thường họ thích vào sell khi giá hình thành đỉnh đầu. Và để dung hòa 2 trường phái này bạn có thể vào lệnh sell khi giá tăng lên tạo đỉnh vai phải. Bởi vì khi giá ở đỉnh vai phải bạn sell ở đây dù xu hướng chưa chính thức thay đổi (chưa xác lập đảo chiều) nhưng áp lực tăng giá cũng đã suy giảm đáng kể rồi, tức là độ rủi ro đã giảm nếu sell, còn nếu buy ở đây thì giá cũng đã mất đi sự hấp dẫn phần nào. Vậy nên khi 1 khung thời gian chính đang thiết lập đỉnh vai phải, đồng thời khung thời gian nhỏ lại cho ra 1 mẫu hình vai - đầu - vai cộng hưởng thì việc vào 1 lệnh sell sẽ có xác suất thắng lợi không hề thấp chút nào.

- Áp dụng nó như 1 ngòi nổ: Nếu hình dung hệ thống giao dịch của bạn là 1 trận địa gồm nhiều chốt khác nhau, thì bạn hãy xem mô hình vai - đầu - vai như 1 ngòi nổ để kích hoạt hệ thống đó. Ví dụ khi phân tích để giao dịch với các cặp tiền, hệ thống của bạn cho thấy hôm nay usd sẽ giảm, và bạn tìm được cặp ngoại tệ USD/JPY chẳng hạn, bạn sẽ canh vào 1 lệnh sell trên cặp tiền này theo khung thời gian chính là h1. Vậy lệnh của bạn sẽ được kích hoạt khi nào? Rất đơn giản, hãy tìm 1 khung thời gian nhỏ hơn phù hợp (ví dụ M5), và tiếp tục quan sát "con mồi"... chờ khi mô hình xuất hiện và giá break qua vùng neck line là ngòi nổ được kích hoạt và lệnh sell đã được vào - ĐƠN GIẢN NHƯ ĐAN RỔ vậy thôi

- Áp dụng nó như 1 đường ra: Nếu bạn đã vào 1 lệnh mua - giá vẫn đang tăng và lệnh vẫn đang nuôi lệnh... nhưng bạn chưa tìm thấy 1 điểm ra hợp lý (điểm đặt take profit) thì rất đơn giản là hãy qua khung thời gian nhỏ hơn (ví dụ bạn đang giao dịch theo xu hướng của h4, thì hãy qua m15) để theo dõi khi nào xuất hiện mẫu hình đảo chiều vai - đầu - vai thì bạn sẽ chốt lời lệnh mua tại điểm phá vỡ (neck line), còn khi nó chưa hoàn thành mẫu hình đó thì cứ vậy kiên trì nuôi lệnh mua để tiếp tục gia tăng lợi nhuận...

Trên đây là đôi điều chia sẻ dưới góc nhìn cá nhân mình về mô hình đảo chiều tin cậy VAI - ĐẦU - VAI kèm theo 1 vài gợi ý khi sử dụng nó. Hy vọng bài viết sẽ mang lại đôi điều giá trị cho bạn. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích bạn nhé. Hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo

Trân trọng,
CaPhiLe.Com

1 comment: