Sở dĩ mình dùng cụm từ "Breakout Đảo Chiều" là để phân biệt với các chiến lược giao dịch Breakout theo mô hình giá (ví dụ breakout các mẫu hình tam giác, cờ đuôi nheo, mô hình cốc tay cầm,...), và trong phạm vi bài viết này mình chỉ chia sẻ về cách đánh breakout đảo chiều thôi nhé.
Sau đây là những ưu điểm khi giao dịch với phương pháp Breakout đảo chiều:
- Có thể chủ động được điểm vào lệnh: Việc giao dịch theo Breakout Đảo chiều cho bạn sự chủ động trong việc đặt lệnh chờ để vào lệnh. Như hình ảnh minh họa ở trên thì chúng ta có thể chọn 1 trong 2 cách để đặt lệnh chờ: Thứ nhất là khi giá chưa chính thức đảo chiều ta sẽ đặt lệnh sell stop (giá bán thấp hơn giá hiện tại - dự kiến khớp ở mũi tên màu tím đầu tiên) tại điểm phá vỡ xu hướng (điểm break), hoặc cách thứ 2 là khi giá đã chính thức phá vỡ xu hướng thì ta sẽ đặt lệnh Sell Limit (giá bán cao hơn giá hiện tại - dự kiến khớp ở mũi tên màu tím thứ 2) để kỳ vọng giá sẽ quay về test lại điểm break và tiếp tục xu hướng mới đi xuống.
- Đi chậm hơn 1 nhịp nhưng sẽ an toàn hơn: Với những trader giao dịch ngược xu hướng, ví dụ như hình ảnh trên thì họ sẽ mong sẽ bắt được đỉnh của giá là ở đỉnh thứ 2 trong mô hình 2 đỉnh, với kỳ vọng giá sẽ đảo chiều và có được 1 tỷ lệ R : R (Lợi Nhuận : Rủi Ro) cực kỳ lớn. Tuy nhiên, tại điểm giá chưa phá vỡ xu hướng thì việc vào 1 lệnh bán là luôn ẩn chứa sự rủi ro không hề nhỏ (vì việc thay đổi 1 xu hướng nó cần thời gian - xem thêm trong bài viết lý do nên giao dịch theo xu hướng). Do đó việc chúng ta vào lệnh sau khi có sự xác nhận đảo chiều xu hướng là ta đang lựa chọn đi chậm lại 1 nhịp (điểm vào không tối ưu bằng bắt đỉnh) nhưng sẽ là an toàn hơn rất nhiều.
- Đi cùng với thị trường: Rõ ràng việc đi thuận theo xu hướng thị trường chính là việc ta đang đồng hành cùng thị trường, không hề có sự chống trả lại diễn biến thị trường. Biểu hiện cụ thể ở chỗ giá đang lên thì ta (nếu có lệnh) vẫn đang mua, và khi giá đảo chiều đi xuống thì ta lại chuyển sang bán, đây là 1 sự linh động cần thiết cho 1 trader giao dịch trong thị trường nhiều biến động này.
- Chủ động về tâm lý: Với những kế hoạch vào lệnh được hoạch định sẵn, thì chúng ta sẽ giữ được tâm lý giao dịch chủ động, từ đó sẽ rèn luyện được tính kiên nhẫn và tăng dần sự tự tin sau mỗi lệnh giao dịch mang lại kết quả tích cực.
Tuy nhiên phương pháp giao dịch Breakout đảo chiều xu hướng cũng chứa đựng những nhược điểm sau:
- Dễ bị nhầm lẫn: Thực sự phương pháp Breakout đảo chiều này rất dễ bị nhầm lẫn, cái nhầm lẫn ở đây không phải là phương pháp sai, mà chủ yếu là nhầm lẫn do khả năng đọc thị trường của chúng ta, vì diễn biễn giá trước khi đảo chiều thực sự thì rất hay xảy ra "Breakout giả" còn gọi là "False Break", nhất là khi bạn theo dõi biểu đồ giá trên màn hình điện thoại hoặc trên máy tính nhưng bị phóng lớn biểu đồ lên (zoom lớn quá), khi đó khả năng quan sát toàn bộ bức tranh tổng thể về thị trường sẽ bị hạn chế, dẫn tới nhận định sai lệch.
- Xu hướng mới quá ngắn dẫn tới không đạt được kỳ vọng về lợi nhuận: Thực tế có nhiều trường hợp xảy ra cú đảo chiều xu hướng từ tăng thành giảm, sau đó giá chỉ giảm 1 đoạn ngắn rồi lại tiếp tục đảo chiều tăng trở lại. Nếu xảy ra trường hợp này thì với 1 điểm vào lệnh quanh vùng Break sẽ không mang lại được tỷ lệ R:R hợp lý, dẫn tới kết quả không như mong muốn.
Vậy để giải bài toán này thì phải làm sao? Có cách nào phát huy ưu điểm và hạn chế được nhược điểm của phương pháp này hay không? cá nhân mình xin chia sẻ một vài gợi ý sau đây:
- Kết hợp phân tích đa khung thời gian: Khi bạn sử dụng phân tích đa khung thời gian, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc dự đoán liệu 1 xu hướng mới được hình thành thì có khả năng duy trì dài hay ngắn. Và mấu chốt trong việc sử dụng đa khung nằm ở chỗ bạn phải thử nghiệm và đúc rút ra 1 bộ gồm các khung thời gian phù hợp với nhau. Ví dụ bạn không thể phân tích bộ 2 khung M30 và H1 được vì nó quá gần nhau, dẫn tới kết quả sẽ không chính xác.
- Hãy quan sát thị trường 1 cách tổng thể: Để làm điều này chỉ cần trên máy tính thì bạn để biểu đồ ở dạng nến nhỏ nhất trong tầm quan sát được thân nến, còn trên điện thoại thì nên zoom nó nhỏ đến mức như 1 biểu đồ dạng then chắn.
Sau đây là ví dụ cụ thể với cặp tiền EUR/USD:
Trên khung thời gian D1, xu hướng tăng vẫn hiện hữu, và đây là 1 xu hướng tăng rõ ràng, vẫn đang tăng khá tốt và chưa hề có dấu hiệu nào cho thấy sẽ đảo chiều ở khung D1 cả. Như vậy nếu giao dịch thuận xu hướng theo khung D1, ta cần tìm 1 điểm hồi cực đại ở khung nhỏ hơn để vào lệnh MUA, nó có thể là khung H4, H1, M30... (lựa chọn khung nào là tùy vào kinh nghiệm của chính bạn)
Ví dụ mình sẽ sử dụng bắt cặp khung D1 với khung H1, chúng ta cùng xem xét khung H1
Giả sử chúng ta sẽ tìm 1 mô hình đảo chiều để tìm điểm BUY lý tưởng (bắt đáy) tại H1, thì có thể ta đã bị sai khi mua vào tại dấu x màu đỏ vì tại đó giá hình thành mô hình 2 đáy hoặc mô hình vai đầu vai biến thể, hoặc tại mũi tên màu đỏ tiếp tục tái hiện mô hình 2 đáy nhưng liệu buy vào ở đây giá có thực sự sẽ đảo chiều đi lên hay không?
Câu trả lời là ... chỉ có "má kẹt" mới biết được điều đó, chỉ sau khi giá chạy mới trả lời được câu hỏi đó mà thôi.
Vậy giải pháp theo cá nhân mình là ta chỉ nên vào lệnh buy khi giá thực sự đảo chiều tại H1, thể hiện bằng việc giá tăng lên phá vỡ vùng kháng cự ở trên (vùng màu xanh nhạt trên). Và nếu chọn buy stop thì bạn nên đặt giá vào lệnh cao hơn GIÁ CAO NHẤT của vùng này khoảng 10-20 pip (để đảm bảo loại trừ 1 cú break out giả). Còn nếu có thể theo dõi diễn biến thì hãy chờ khi giá đảo chiều thực sự rồi ta sẽ chờ nó hồi lại để vào lệnh mua.
Bạn có cảm thấy việc kết hợp H1 và D1 khá là logic không? Ví dụ thay vì H1 mà bạn đang soi chiếu qua M15 chắc chắn là bạn sẽ thấy hoang mang khi giá dao động đi ngang biên độ rộng. Và khi D1 còn là uptrend thì việc mua vào tại H1 khi H1 cũng chuyển từ Downtrend thành uptrend là 1 giải pháp rất đáng để cân nhắc.
Trên đây là vài chia sẻ cá nhân về phương pháp giao dịch Break Out Đảo chiều xu hướng. Hy vọng sẽ mang lại vài điều bổ ích cho bạn. Hãy chia sẻ nếu thấy bài viết hữu ích bạn nhé.
Trân trọng,
No comments:
Post a Comment