Forex world

May 19, 2018

Khi Nào Thì Dời Điểm Dừng Lỗ?

Hôm nay cuối tuần rảnh rỗi, mình sẽ chia sẻ về 1 vấn đề mà trader hay gặp đó là có nên dời điểm dừng lỗ Stop Loss? Nếu dời Stoploss thì khi nào mới dời và dời về đâu?

Điều mà đa số các nhà giao dịch forex nói riêng cũng như các trader nói chung hay lưu tâm nhất chính là việc dời điểm dừng lỗ, nhất là thói quen dời Stop Loss (SL) về Entry (điểm vào lệnh) sau khi lệnh chạy đúng hướng và có lợi nhuận (nhiều trader mới thắc mắc sl entry là gì? cụm từ này viết tắt cho việc thực hiện dời stoploss về điểm vào lệnh entry). Vậy quyết định này liệu có đúng hay không? Bài viết hôm nay mình sẽ mổ xẻ vấn đề này dưới lăng kính của PHÂN TÍCH KỸ THUẬT thuần túy, tức là ta sẽ sử dụng chuẩn kiến thức phân tích kỹ thuật áp dụng vào việc dời SL.

Đầu tiên mình phải khẳng định ngay rằng: Việc dời SL về entry (điểm vào lệnh) hoặc dời về điểm có lợi nhuận (nếu dính SL mà vẫn có lời) mà không sử dụng tới tín hiệu của phân tích kỹ thuật thì đó CHỈ LÀ GIẢI PHÁP MANG TÍNH TÂM LÝ THUẦN TÚY, nó chỉ đem lại sự yên tâm cho trader vì khi đó chỉ có 2 khả năng xảy ra: TỪ HÒA TỚI THẮNG. Tuy nhiên, điều mà ít trader quan tâm đó chính là LỢI THẾ của lệnh giao dịch khi nó đang chạy đúng hướng và đang có lợi nhuận, và nếu việc dời SL này không hợp lý dẫn tới việc giá chạm SL rồi tiếp tục chạy đúng hướng ban đầu thì đó thật sự là 1 điều VÔ CÙNG ĐÁNG TIẾC và ĐÁNG TRÁCH.

Chúng ta đều biết thị trường luôn chạy theo đường zigzag, giá chạy theo sóng lên xuống dập dìu và luôn có sóng hồi và sóng tiếp diễn. Vậy việc giá chạy thẳng 1 mạch về điểm Take Profit (TP) là điều ít khi xảy ra trừ khi mức TP của bạn nhỏ hơn 1 biên độ giao động của 1 con sóng (trong cùng 1 khung thời gian bạn giao dịch). Vậy việc dời điểm SL (về điểm vào lệnh entry, hay dời để SL ngắn hơn mức ban đầu, hoặc về điểm có lợi nhuận) đều cần phải cân nhắc kỹ và có yếu tố kỹ thuật trong đó mới đem lại cho chúng ta 1 kết quả khả quan về lâu dài.

Sau đây là quan điểm và cách áp dụng của cá nhân mình về vấn đề này:

Với 1 lệnh SELL:

- Việc đặt SL và TP ban đầu ngay khi vào lệnh nên theo phương pháp dựa vào cản (đỉnh và đáy), có chia sẻ cụ thể trong bài viết này: https://www.caphile.com/2017/10/cach-dat-stop-loss-va-take-profit.html. Việc đặt SL và TP ban đầu dự kiến như thế này sẽ áp dụng trong trường hợp chúng ta không thể theo dõi thị trường và bám sát lệnh giao dịch liên tục. Còn khi ta có thời gian theo dõi biến động của thị trường thì ta sẽ xem xét thêm những điều dưới

- Sau khi vào lệnh, giá giảm giảm xuống và lệnh có lợi nhuận, thì ta không nên dời ngay SL về entry, mà cần theo dõi tiếp nếu giá sau khi giảm và bắt đầu hồi lên tới khi kết thúc con sóng hồi đó rồi lại giảm xuống trở lại. Vậy NẾU ĐỈNH CON SÓNG HỒI ĐÓ THẤP HƠN ĐIỂM VÀO LỆNH CỦA CHÚNG TA (SAU KHI ĐÃ TRỪ SPREAD VÀ ĐỘ NHIỄU) THÌ MỚI NÊN DỜI SL VỀ ENTRY. Bởi vì trong đa số trường hợp thì giá sẽ tiếp tục xuyên phá đáy mới tạo và nó sẽ giảm tiếp những đợt sóng mới, khi đó điểm SL của chúng ta tại entry là khá an toàn. Còn nếu đỉnh con sóng hồi đó cao hơn điểm vào lệnh của chúng ta thì ta vẫn nên dời SL về TRÊN ĐỈNH mới này. Và dĩ nhiên nếu đỉnh sóng hồi đó thấp hơn nhiều so với giá ta vào lệnh thì cũng có thể dời SL về đỉnh đó để nếu dính SL ta vẫn có lợi nhuận chứ không chỉ là hòa. Tuy nhiên việc xác định đỉnh con sóng hồi này chỉ xảy ra sau khi giá tạo đỉnh thật sự và có mức giảm giá trở lại đáng kể (ít nhất 1/2 con sóng tăng trước đó thì được gọi là đáng kể).

- Với cách áp dụng này, hi hữu có cũng những trường hợp dù dời SL theo cách này nhưng giá thỉnh thoảng vẫn có lúc chạm SL và chạy ngược thêm 1 đoạn (thường là tiến lên đỉnh mới ở mức cao hơn) rồi vẫn quay đầu giảm theo hướng nhận định ban đầu. Điều này là không thể tránh khỏi vì không có gì là tuyệt đối cả, tuy nhiên với cách dời SL mình chia sẻ ở đây là trong ĐA SỐ TRƯỜNG HỢP (trên 70%) là tối ưu nhất, nó hợp với lý thuyết của Phân Tích Kỹ Thuật (PTKT) và phù hợp với cả lý thuyết sóng Elliott.

- Với 1 lệnh BUY thì hoàn toàn ngược lại nhé.

Diễn giải chi tiết tới đâu cũng không bằng vài ví dụ, sau đây là ví dụ thực tế:

Ví dụ trên cặp tiền EUR/USD phiên giao dịch đầu tuần ngày 14/5/2018 khung M15 (15 phút) có biểu đồ giá như sau:


Nếu chúng ta sell trong khoảng giá từ 1 đến 2 mà vẫn chưa dính SL tại 3 (mức SL tùy theo chiến lược giao dịch của mỗi người, nó phụ thuộc vào khung giao dịch của họ), vậy sau khi giá tạo đỉnh 3 và giảm mạnh về 5 thì lệnh sell (giá từ 1 đến 2) vẫn chỉ là hòa hoặc lời/lỗ ít, sau đó giá tạo ĐỈNH HỒI tại 6 và giảm xuống thì ta sẽ phải dời SL về trên đỉnh 6 (nhớ cộng spread và vài pip độ nhiễu), khi đó nếu dính SL lệnh chúng ta vẫn sẽ hòa hoặc lời/lỗ ít (tùy vào điểm vào lệnh cụ thể)

Nếu chúng ta sell trong khoảng giá từ 2 đến 3 hoặc từ 3 đến 4, thì sau khi giá tạo đỉnh hồi 6 và giảm xuống thì ta dịch SL về trên đỉnh 6. Vậy nếu dính SL ta sẽ từ hòa tới thắng mà thôi. Cần lưu ý nếu ta sell gần sát đỉnh số 3, thì vẫn nên dịch SL về trên đỉnh 6 chứ không nên dời SL về entry, vì nếu giá từ 6 giảm xuống mà lại bật ngược lên vượt đỉnh hồi 6 thêm 1 lần nữa thì đa số trường hợp sẽ dính SL dù là SL đó ở ngay trên đỉnh 6 hay là sát đỉnh 3. Vậy trường hợp sell sát đỉnh số 3 thì nên dời SL về đỉnh 6 để lệnh vẫn có lợi nhuận nếu thị trường chạy ngược lại (bật tăng trở lại), chứ không nên dời về entry sát đỉnh số 3.

Nếu chúng ta sell trong khoảng giá từ 4 đến 5 hoặc từ 5 đến 6, thì sau khi giá giảm từ 6 xuống (ít nhất giảm 1/2 đoạn đường đi từ 5 đến 6) ta vẫn sẽ dời SL về đỉnh 6 để đảm bảo an toàn cho lệnh sell.

Cũng với cặp tiền EU này trong phiên giao dịch ngày hôm qua 18/5/2018, cũng với 1 thế trận tương tự và mình đánh số tương ứng, thì diễn biến giá cho thấy việc chúng ta đặt SL tại 6 là khá hợp lý và an toàn


Điều này biểu hiện trên biểu đồ giá đã giảm từ 6 tuy sau đó có bật tăng trở lại thì khi tiệm cận vùng cản 6 đã phản ứng và giảm trở lại, và việc giá phản ứng như vậy sẽ mang lại cho ta rất nhiều điểm ra chốt lời sau đó nếu ta có các lệnh sell từ 3 đến 6.

Mình giả sử nếu giá giảm chạm đáy và tăng lên mức cản số 6 mà vượt luôn cản này thì rõ ràng mô hình đảo chiều chữ W có 2 đáy dạng biến thể (với đáy số 5 ở trên cao, cộng hưởng thêm yếu tố phân kỳ trên chỉ báo kỹ thuật) đã được xác lập và giá nhiều khả năng sẽ tăng lên tới đỉnh số 3, vậy việc ta đặt SL ở ENTRY khi sell quanh đỉnh số 3 trong đa số trường hợp vẫn sẽ bị dính SL. Do đó SL tại 6 là 1 giải pháp giảm thiểu rủi ro khá hiệu quả.

Dĩ nhiên, vẫn có nhiều trường hợp giá hồi lên qua đỉnh hồi số 6 và tiến lên đỉnh 3 nhưng sau đó vẫn tiếp tục giảm trở lại xuyên qua đáy 5 và tiếp tục giảm. Vậy nên với quan điểm cá nhân mình thì nếu bạn thật sự muốn có giải pháp cho tâm lý thì nên dời SL về đỉnh số 6 (sau khi giá xác lập đỉnh hồi này và giảm ít nhất 1/2 con sóng từ 5 đến 6), còn nếu tâm lý vững thì chỉ nên dời SL về trên đỉnh số 3 như kế hoạch ban đầu khi mới vào lệnh.

Còn trong trường hợp bạn giao dịch dài hạn, và nuôi lệnh lâu dài, thì sau mỗi con sóng hồi kết thúc thì hãy dịch SL xuống 1 đỉnh hồi thấp hơn... cứ như vậy cho tới khi giá đảo chiều (chính thức break chữ W tại đáy) thì bạn chỉ dính SL với giá gần đáy và lợi nhuận cũng khá tối ưu rồi.

Trên đây là vài gợi ý cho quyết định dời điểm dừng lỗ, mình nhấn mạnh lại VIỆC DỜI SL  ĐÚNG KỸ THUẬT SẼ KHÔNG LIÊN QUAN GÌ ĐẾN ĐIỂM VÀO LỆNH CỦA CHÚNG TA, NÓ CHỈ LIÊN QUAN ĐẾN CÁC MỨC CẢN (ĐỈNH VÀ ĐÁY CỦA CÁC CON SÓNG). Hãy thật tỉnh táo khi dời SL bạn nhé

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này, mong nhận được nhiều phản hồi góp ý từ bạn, và hãy chia sẻ nếu thấy hữu ích nhé

Trân trọng,


1 comment:

  1. Cám ơn admin. Kỹ thuật dời dừng lỗ này rất chặt chẽ. Ví dụ: với 1 lệnh sell, giá sau khi hồi, tạo đỉnh, thì ta có thể dời dừng lỗ về vị trí trên đỉnh 1 chút để giảm thua lỗ, hoặc kiếm 1 chút lời. Còn chi tiết thì bài viết đã nêu rất rõ cho từng trường hợp cụ thế.
    Xin cảm ơn./.

    ReplyDelete