Forex world

November 09, 2018

14 Câu Hỏi Cơ Bản Về Phân Tích Kỹ Thuật

14 Câu Hỏi Cơ Bản Về Phân Tích Kỹ Thuật dưới đây sẽ là bài kiểm tra nhanh để chúng ta tự đánh giá mức độ hiểu biết về Phân Tích Kỹ Thuật.

Hãy cùng đọc và thử tự trả lời các câu hỏi dưới đây để kiểm tra những kiến thức cốt lõi và cơ bản nhất của phân tích kỹ thuật. 



Lưu ý rằng những câu trả lời mình đưa ra dựa trên sự hiểu biết và văn phong của cá nhân mình chứ không phải là kiến thức trích dẫn từ các tài liệu về phân tích kỹ thuật, do vậy nó có thể thiếu sót và mong nhận được nhiều góp ý bình luận từ bạn đọc để chúng ta cùng hoàn thiện phần kiến thức nền tảng này nhé.


1. Ba trạng thái chính của thị trường là gì?

Đó là tăng giá, giảm giá, và đi ngang

2. Xu hướng tăng giá là gì?

Là trạng thái giá tăng là chủ đạo và tạo thành các đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ và đáy mới cao hơn đáy cũ

3. Xu hướng giảm giá là gì?

Là trạng thái giá giảm là chủ đạo và tạo thành các đỉnh mới thấp hơn đỉnh cũ và đáy mới thấp hơn đáy cũ

4. Xu hướng đi ngang là gì?

Là trạng thái cân bằng tương đối của thị trường, tại đó không thể hiện sự áp đảo của việc tăng giá hay giảm giá, và giá tạo nên các vùng đỉnh và vùng đáy ngang bằng nhau

5. Kênh xu hướng là gì?

Kênh xu hướng là kênh biên độ giao động của ĐƯỜNG NỐI các đỉnh với nhau và các đáy với nhau. Với kênh xu hướng tăng sẽ dốc lên, kênh xu hướng giảm sẽ dốc xuống, và kênh đi ngang sẽ nằm ngang

6. Xu hướng tăng giá mạnh là gì?

Xu hướng tăng giá mạnh là khi tạo thành các đỉnh mới CAO HƠN HẲN các đỉnh cũ, và các đáy mới CAO HƠN HẲN các đáy cũ. Với xu hướng tăng mạnh thì kênh xu hướng sẽ rất dốc - dốc lên. Xu hướng tăng giá mạnh càng tin cậy khi có tín hiệu của khối lượng xác nhận bằng việc khối lượng tăng lên khi giá tăng và khối lượng giảm xuống khi giá điều chỉnh giảm.

7. Xu hướng giảm giá mạnh là gì?

Xu hướng giảm giá mạnh là khi tạo thành các đỉnh mới THẤP HƠN HẲN các đỉnh cũ, và các đáy mới THẤP HƠN HẲN các đáy cũ. Với xu hướng giảm mạnh thì kênh xu hướng sẽ rất dốc - dốc xuống. Xu hướng giảm giá mạnh càng tin cậy khi có tín hiệu của khối lượng xác nhận bằng việc khối lượng tăng lên khi giá giảm và khối lượng giảm xuống khi giá điều chỉnh tăng.

8. Khi nào thì xu hướng suy yếu?

Tín hiệu cảnh báo xu hướng suy yếu là khoảng cách giữa các đỉnh mới với đỉnh cũ cũng như khoảng cách đáy mới với đáy cũ thu hẹp dần (thậm chí là đi ngang), đồng thời khối lượng giao dịch suy giảm.

9. Có phải mỗi khung thời gian có 1 xu hướng riêng biệt không?

Chính xác là như vậy, mỗi khung thời gian thể hiện diễn biến thị trường cũng như phạm vi phân tích riêng biệt, do vậy mỗi khung thời gian sẽ có 1 xu hướng riêng biệt

10. Ngưỡng hỗ trợ là gì?

Ngưỡng hỗ trợ là 1 vùng giá có giá trị để xem xét mua, đó có thể là vùng đáy cũ, hoặc vùng đỉnh cũ mà giá tạo nên trước đó. Tại vùng hỗ trợ thì tâm lý chung của thị trường thường thiên về quyết định mua, do vậy tại đây nó vừa mang yếu tố kỹ thuật lẫn yếu tố tâm lý.

11. Ngưỡng kháng cự là gì?

Ngưỡng kháng cự là 1 vùng giá có giá trị để xem xét bán, đó có thể là vùng đỉnh cũ, hoặc vùng đáy cũ mà giá tạo nên trước đó. Tại vùng hỗ trợ thì tâm lý chung của thị trường thường thiên về quyết định bán, do vậy nó cũng mang cả yếu tố kỹ thuật lẫn tâm lý.

12. Khi nào thì đảo chiều xu hướng từ tăng thành giảm?

Xu hướng sẽ chính thức đảo chiều từ tăng giá thành giảm giá nếu giá giảm DỨT ĐIỂM xuống phá vỡ 1 cách RÕ RÀNG đáy cũ gần nhất (của xu hướng tăng trước đó). Việc đảo chiều xu hướng càng đáng tin cậy hơn nếu có thêm tín hiệu xác nhận của khối lượng, khi giá giảm và xuyên thủng vùng đáy cũ (cũng là ngưỡng hỗ trợ gần nhất) mà khối lượng gia tăng đáng kể thì khả năng rất cao là xu hướng chính thức đảo chiều từ tăng giá thành giảm giá. Tín hiệu này thường được các trader gọi tắt là "đảo chiều break chữ M tại đỉnh"

13. Khi nào thì đảo chiều xu hướng từ giảm thành tăng?

Xu hướng sẽ chính thức đảo chiều từ giảm giá thành tăng giá nếu giá tăng DỨT ĐIỂM lên phá vỡ 1 cách RÕ RÀNG đỉnh cũ gần nhất (của xu hướng giảm trước đó). Việc đảo chiều xu hướng càng đáng tin cậy hơn nếu có thêm tín hiệu xác nhận của khối lượng, khi giá tăng và xuyên thủng vùng đỉnh cũ (cũng là ngưỡng kháng cự gần nhất) mà khối lượng gia tăng đáng kể thì khả năng rất cao là xu hướng chính thức đảo chiều từ giảm giá thành tăng giá. Tín hiệu này thường được các trader gọi tắt là "đảo chiều break chữ W tại đáy"

14. Phân Tích Kỹ Thuật có phải luôn luôn đúng?

Sai, phân tích kỹ thuật chỉ là 1 phương pháp để phân tích và dự báo giá cả. Do vậy, khi sử dụng nó chúng ta cũng cần có những sự chọn lọc, phân tích, thống kê và đúc rút thêm những kinh nghiệm để áp dụng sao cho hiệu quả nhất. Tuy phân tích kỹ thuật cũng có những sai số nhất định, tuy nhiên cá nhân mình thấy sử dụng phân tích kỹ thuật thuần túy khi nhuần nhuyễn vẫn mang lại được thành công như mong đợi. 

Trên đây là 14 câu hỏi cơ bản nhất về phân tích kỹ thuật, hy vọng rằng bài viết sẽ mang lại chút giá trị cho bạn đọc, cảm ơn bạn đã ghé qua blog và hãy chia sẻ nếu bạn nghĩ rằng nó có ích cho người khác nhé. Hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo

Trân trọng,

2 comments: