Forex world

February 17, 2020

8 Vấn Đề Của Forex Trader

Đây là những vấn đề hoặc là những sai lầm chết người thường gặp của các Forex Trader, nó có thể là vấn đề cố hữu mà rất nhiều người tự nhìn nhận ra nhưng việc khắc phục lại là không thể hoặc không hề dễ dàng. Bài viết này chúng ta cùng mổ xẻ để xem có gợi mở thêm điều gì không nhé.



1. CỨ NẠP TIỀN GIAO DỊCH LÀ SỚM MUỘN CŨNG CHÁY TÀI KHOẢN:
Đây là một vấn đề thường thấy nhất, đặc biệt là các trader mới vào nghề hoặc chưa đủ thời gian trải nghiệm, và nó cũng thường thấy ở những trader có tính cách nóng nảy, vội vàng, cố chấp, hoặc muốn ăn thua đủ với thị trường (thích ngay lập tức phải... báo thù thị trường sau mỗi lần cháy). Giải pháp đơn giản nhất để khắc phục là NGỪNG NẠP TIỀN, hãy lùi lại 1 bước để bình tĩnh và xem xét lại toàn bộ, từ đó tìm ra nguyên nhân và các xử lý để đạt được kết quả tốt hơn cho lần tới.

2. VÀO LỆNH QUÁ LỚN HOẶC VÀO FULL (TẤT TAY TÀI KHOẢN TRONG 1 LỆNH):
Mình đã gặp những trader hễ cứ nạp tiền vào là giao dịch full tài khoản và tất tay toàn bộ tài khoản vào 1 lệnh giao dịch. Tất nhiên có những lúc tài khoản sẽ tăng lên gấp mấy lần, thậm chí là mấy chục lần chỉ sau mấy lệnh thắng liên tục. Tuy nhiên, việc sẩy chân dính 1 lệnh thua sẽ là vấn đề SỚM HAY MUỘN mà thôi. Chúng ta không thể liên tục may mắn có được chuỗi lệnh thắng liên hoàn (mình dùng từ "may mắn", bởi vì dù có sở hữu 1 hệ thống giao dịch thần thánh thì nó vẫn không thể 100% thắng tuyệt đối được). Do đó, với góc nhìn Forex là 1 cuộc chơi trường kỳ, chúng ta cần có phương án quản lý rủi ro hợp lý để đảm bảo an toàn cho tài khoản. Và giải pháp là trước khi vào lệnh hãy nghĩ về cảm giác nếu bị cháy tài khoản, nó sẽ giúp trader giảm dần sự "máu me" quá mức, từ đó dần dần khắc phục nhược điểm rất lớn này.

3. HAY BỊ NGỨA TAY NHỒI LỆNH:
Đây là 1 nhược điểm rất lớn và thường gặp ở nhiều trader. Dù ban đầu vào lệnh hợp lý và đúng nguyên tắc đặt ra, nhưng sau khi nhìn thị trường di chuyển thì phát sinh những cảm xúc bột phát dẫn tới việc nhồi lệnh thêm. Với trader có lòng tham lớn thì sẽ nhồi lệnh khi lệnh cũ đang dương (có lời) và giá đi đúng hướng, họ nhồi thêm lệnh cùng chiều để được ăn nhiều hơn nữa. Còn với trader hay có tính cay cú và hơn thua với thị trường thì sẽ nhồi lệnh khi lệnh cũ đang âm (đang lỗ) và giá đi ngược hướng, họ nhồi thêm lệnh để quân bình giá nhằm có điểm ra lệnh tốt hơn ban đầu. Điều đáng báo động là khi nhồi lệnh thì sự cân bằng về cảm xúc sẽ bị phá vỡ, nó dẫn tới những quyết định không còn sáng suốt và khách quan như ban đầu nữa. Và kết quả thường dẫn tới cháy tài khoản NẾU như việc nhồi lệnh mất kiểm soát + tổng khối lượng quá lớn (full tài khoản) + giá đi ngược dự đoán 1 đoạn ngắn là tài khoản sẽ cháy ngay lập tức. Và giải pháp gợi mở là hãy tính toán thật kỹ trước khi vào lệnh, sau đó đặt lệnh giao dịch và đặt các điểm chốt lời + dừng lỗ hợp lý, sau đó đóng máy lại và để thị trường tự xử lý. Việc KHÔNG THƯỜNG XUYÊN xem diễn biến thị trường sẽ giúp giảm bớt những cảm xúc phát sinh và dần dần sẽ khắc phục được nhược điểm này.

4. KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC BẢN THÂN:
Đây là trường hợp không hiếm gặp, nhất là các trader đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng tâm lý do thua lỗ. Khi điều đó xảy ra, họ sẽ làm những điều mất kiểm soát như: Nạp tiền liên tục dù thua lỗ, giao dịch phá vỡ nguyên tắc thậm chí là giao dịch ngược lại những gì đã phân tích, tâm lý trở nên hoảng loạn và không còn chút tỉnh táo nào. Và họ chỉ thật sự nhận ra bản thân mất kiểm soát khi cháy sạch tài khoản mà thôi... Giải pháp cho tình trạng này là tạm rời xa thị trường trong 1 thời gian để tĩnh tâm suy nghĩ và lấy lại sự bình tĩnh, sau đó mới cân nhắc việc quay trở lại.

5. PHONG ĐỘ GIAO DỊCH KHÔNG ỔN ĐỊNH:
Với bất kỳ forex trader nào, trong 1 giai đoạn nhất định sẽ gặp phải tình trạng phong độ giao dịch mất sự ổn định, cho dù hệ thống giao dịch đã được kiểm nghiệm kỹ lưỡng và giao dịch khá tốt trong 1 thời gian. Tuy nhiên, một thực tế chúng ta phải thừa nhận rằng trong thị trường forex sẽ có những giai đoạn thị trường thay đổi (tạm thời hoặc lâu dài), do đó chúng ta cần liên tục thích nghi với các giai đoạn đó, và quan trọng hơn cả là ta phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cũng như các giải pháp cho điều đó. 

6. CẢM THẤY CHÁN NẢN VÀ KHÔNG CÓ HY VỌNG VỚI NGHỀ FOREX:
Điều này thường xảy ra sau khi trader trải qua một quá trình giao dịch nhưng không mang lại kết quả khả quan. Khi đó họ sẽ cảm thấy chán nản và không còn hy vọng với nghề forex nữa, đó là hệ quả tất yếu. Nếu chúng ta rơi vào hoàn cảnh này thì cần nghiêm túc nhìn nhận lại mọi vấn đề, từ lý do chúng ta tham gia vào forex, cho đến những quá trình học hỏi và trải nghiệm với nó, và thống kê các kết quả giao dịch... từ đó chúng ta sẽ có phân tích và đánh giá chính xác nhất cho cả quá trình để có được giải pháp nhằm cải thiện kết quả, thậm chí là cả việc ra quyết định có tiếp tục con đường này nữa hay nên dừng lại.

7. CỨ SHOW TÀI KHOẢN RA LÀ CHÁY:
Điều này nhiều người nói rằng nó là "lời nguyền" và mang yếu tố tâm linh (hoặc duy tâm). Tuy nhiên khi phân tích kỹ dưới góc độ tâm lý chúng ta sẽ thấy rõ hơn. Khi chúng ta show tài khoản ra cho người khác xem thường là khi tài khoản có sự tăng trưởng tốt, chứ hiếm người show tài khoản "âm tè le" ra làm gì... Vậy việc show tài khoản thắng lợi nó hàm chứa 1 phần sự "khoe" trong đó, tức là bản thân người đó đang có sự tự tin vượt quá giới hạn (và nó sẽ chuyển hoá dần thành sự tự mãn), chính điều đó sẽ sớm quay lại và giết chết đi "thân chủ". Tất nhiên, cũng không ít trường hợp show tài khoản ra mà vẫn "sống thọ" trường kỳ, như các tài khoản bán tín hiệu trên mql5 chẳng hạn, vì mục đích cố hữu của việc show nó không nằm ở vấn đề "khoe", nên nó không ảnh hưởng tới tâm lý của trader. 

8. KHÔNG CÓ KẾ HOẠCH VÀ LỘ TRÌNH GIAO DỊCH CỤ THỂ:
Đây là vấn đề rất phổ biến ở các trader mà cá nhân mình đã từng gặp. Việc trader giao dịch với mục đích tìm kiếm lợi nhuận là điều đương nhiên, tuy nhiên việc họ lập kế hoạch dài hạn và phân chia từng giai đoạn lộ trình cụ thể thì không nhiều người làm điều đó, thâm chí là rất hiếm người làm điều đó CỤ THỂ trên giấy hoặc trên file Excel. Khi chúng ta coi Forex là một nghề nghiêm túc, tức là chúng ta sẽ phải sống cùng với nó, trường kỳ và lâu dài. Thì việc lập kế hoạch dài hạn và thiết lập các lộ trình cũng như giai đoạn cụ thể là hết sức cần thiết, nó sẽ giúp chúng ta đã và đang ở đâu trên chặng đường mình đi.

Trân trọng,
CaPhiLe.Com

No comments:

Post a Comment